#049 | Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thông báo chấm dứt

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Nguyên đơn và Bị đơn ký hợp đồng Tư vấn quản lý dự án và quản lý xây dựng dự án. Bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo. Do đó, Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Bị đơn bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thông báo chấm dứt hợp đồng và yêu cầu này đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.

Bài học kinh nghiệm:

Trong trường hợp doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu việc không thông báo gây ra thiệt hại cho phía bên kia.

Trong vụ việc trên, hợp đồng có tranh chấp được xác lập một cách hợp pháp và các Bên đều thừa nhận Bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trong Hồ sơ, không có tài liệu nào cho thấy Bị đơn đã gửi Nguyên đơn một văn bản thể hiện rõ ràng rằng Bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng và, trong quá trình tố tụng, các Bên cũng thống nhất là Bị đơn không gửi cho Nguyên đơn bất kỳ thông báo nào về việc Bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng trong khi đó Điều 27 ở phần Điều kiện chung của hợp đồng có nội dung khẳng định “Chủ đầu tư có thể đình chỉ tất cả hoặc một phần của dịch vụ hoặc chấm dứt hợp đồng bằng thông báo ít nhất 56 ngày cho Tư vấn… ”. Từ đó Hội đồng Trọng tài “khẳng định Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thông báo chấm dứt Hợp đồng (Bị đơn không vi phạm khi chấm dứt hợp đồng vì điều khoản trên cho phép Bị đơn được chấm dứt hợp đồng nhưng Bị đơn vi phạm nghĩa vụ thông báo về việc đơn phương chấm dứt - đình chỉ Hợp đồng)”. Ở đây, Bị đơn được chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo ít nhất 56 ngày nhưng Bị đơn đã không thực hiện việc thông báo.

Về hệ quả của việc vi phạm nghĩa vụ thông báo chấm dứt - đình chỉ hợp đồng, theo khoản 2 Điều 426 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015, “Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường” và, theo Điều 315 Luật Thương mại năm 2005, “trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại”. Ở đây, việc vi phạm nghĩa vụ thông báo chấm dứt, đình chỉ (và cả hủy bỏ) hợp đồng làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nếu tồn tại thiệt hại và hướng này tương thích với quy định chung về bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Thật vậy, theo Điều 303 Luật Thương mại năm 2005, “trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây: 1. Có hành vi vi phạm hợp đồng; 2. Có thiệt hại thực tế; 3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”. Như vậy, để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần hội đủ 03 điều kiện vừa nêu và các yêu cầu này cũng phù hợp với Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại” (Điều 360).

Về mức bồi thường, Nguyên đơn yêu cầu “số tiền bồi thường của giai đoạn bảo trì là 750.258.240 VND”. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài “xét thấy vi phạm được xem xét ở đây là Bị đơn không thông báo cho Nguyên đơn về việc Bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng nên thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại phát sinh từ việc vi phạm này. Tuy nhiên, khoản tiền nêu trên, như chính Nguyên đơn đã khẳng định, chính là khoản chi phí phải trả còn tồn đọng nên không có quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm nêu trên của Bị đơn và Hội đồng Trọng tài không có cơ sở để chấp nhận mức bồi thường 750.258.240 VND trên của Nguyên đơn”. Ở đây, Nguyên đơn đã có sự nhầm lẫn về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thông báo chấm dứt - đình chỉ hợp đồng với thực hiện hợp đồng nên không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.

Tiếp theo, “Hội đồng Trọng tài nhận thấy việc Bị đơn không thông báo trước 56 ngày cho Nguyên đơn gây tổn hại cho Nguyên đơn vì, đối với khoảng thời gian 56 ngày này, do không biết là hợp đồng đã chấm dứt nên Nguyên đơn vẫn phải chuẩn bị nhân sự phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng. Vì vậy, Nguyên đơn được bồi thường thiệt hại nhưng chỉ được bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc Bị đơn không thông báo trước 56 ngày. Thực tế, pháp luật không quy định về thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ thông báo việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và các Bên cũng không thỏa thuận về xác định thiệt hại được bồi thường khi một bên vi phạm nghĩa vụ thông báo này nên Hội đồng Trọng tài xác định thiệt hại được bồi thường theo lẽ công bằng. Ở đây, theo Phụ lục C của hợp đồng, khoản tiền Nguyên đơn được Bị đơn thanh toán cho giai đoạn bảo trì là 375.129.120 VND/năm trên cơ sở Nguyên đơn thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 15 Phụ lục A theo đó Nhà tư vấn phải cung cấp đủ nhân sự và kết hợp với đội ngũ quản lý hoạt động của Chủ đầu tư để phối hợp, tiếp cận vàgiám sát công tác sửa chữa và khắc phục của Nhà thầu trong suốt Thời gian sửa chữa sai sót. Do đó, Hội đồng Trọng tài xác định việc Bị đơn vi phạm nghĩa vụ thông báo trước 56 ngày tương đương với 2 tháng nên thiệt hại mà Nguyên đơn được bồi thường sẽ tương đương với khoản lợi ích mà Nguyên đơn đáng ra được hưởng trong khoảng thời gian đó theo hợp đồng và làm tròn 62.500.000 VND (2/12 x 375.129.120 VND/năm)”.

Phần trên cho thấy việc không thông báo chấm dứt - đình chỉ hợp đồng có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc xác định mức bồi thường thiệt hại là khó và Hội đồng Trọng tài đã phải dựa vào hợp đồng để xác định mức thiệt hại được bồi thường. Do đó, để tránh gây khó khăn trong việc xác định mức bồi thường do vi phạm nghĩa vụ thông báo, các bên nên có thỏa thuận hay chỉ dẫn về mức thiệt hại được bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ này.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI